Đặc điểm hình thái cây Bưởi
Cây Bưởi hay còn thường được gọi là cây Bồng ở một số vùng miền. Loại trái cây này rất quen thuộc ở Việt Nam. Hiện nay Bưởi ở nước ta gồm nhiều giống khác nhau, đa dạng hình dáng.
Tên khoa học: Citrus Grandis
Họ thực vật: họ Rutaceae (họ Cam chanh)
Bưởi thuộc cây thân gỗ, tròn, vỏ cây màu xám nhạt, sần sùi, nhựa cây màu vàng cam. Cây có nhiều cành nhánh, các cành non có gai nhọn. Cây thuộc loại sống lâu năm, có chiều cao trung bình khoảng 2-5m. Rễ cây bưởi thuộc kiểu rễ cọc đâm sâu vào lòng đất.
Lá hình bầu dục, thuôn dài, tròn ở phần gốc và hơi nhọn ở phần đầu. Lá dài khoảng 10cm, mép nguyên, có khớp trên cuống lá. Lá non màu xanh nhạt, lá già xanh đậm, có hương thơm nhẹ.
Hoa mọc và nở thành từng chùm, mỗi chùm có khoảng 5 – 10 bông. Hoa mọc từ nách lá, có màu trắng ngà hoặc trắng tinh, hương thơm dễ chịu. Thời gian ra hoa tuỳ theo giống, tuy nhiên hoa thường nở rải rác quanh năm.
Quả hình cầu, màu xanh khi non, chín có màu xanh hoặc vàng tùy giống. Vỏ quả hơi dày, ruột có nhiều tép, tép múi mọng nước, mùi vị kết hợp giữa chua và ngọt. Các giống bưởi khác nhau sẽ có ruột và tép múi khác nhau từ màu sắc đến mùi vị.
Trồng và chăm sóc Bưởi
Tuỳ theo sở thích, khí hậu vùng miền mà có thể lựa chọn trồng các giống bưởi khác nhau. Đa số các giống Bưởi đều khá dễ trồng và dễ chăm sóc.
Hiện Bưởi được nhân giống bằng cách chiết ghép cành và gieo hạt.
Bưởi là cây ưa sáng, tán rộng nên được trồng ở sân vườn, khuôn viên rộng để cây xanh tốt. Cây Bưởi có thể chịu được khí hậu nóng hay lạnh, chịu hạn khá tốt. Đất trồng chọn loại đất thịt màu mỡ, tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Cây không chịu được ngập úng, khi ngập úng cây dễ bị thối rễ, vàng lá, héo cành và chết. Cây không yêu cầu cần phải thường xuyên tưới tiêu. Chỉ chú ý lượng nước tưới khi cây trong giai đoạn ra hoa và kết quả. Tuỳ vào thổ nhưỡng mà lựa chọn giống cây và phân bón phù hợp.
Cây Bưởi thường gặp các loại sâu bệnh như sâu đục thân, sâu vẽ bùa,… gây hư lá, hư thân. Cần loại bỏ sâu bệnh kịp thời tránh chết cây.
Ứng dụng cây Bưởi trong đời sống
Bưởi là giống thực vật có nhiều công dụng trong cả đời sống lẫn trong y học. Các bộ phận từ thân, hoa, lá, quả đều được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Đây là giống cây ăn quả có nhiều công dụng đối với đời sống.
Hoa Bưởi có mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng giúp an thần, làm dịu căng thẳng, sảng khoái đầu óc. Hoa Bưởi là nguyên liệu được ứng dụng nhiều thực phẩm và làm đẹp. Nó xuất hiện trong các món ăn ngon miệng như chè, trà. Dùng để chiết xuất tinh dầu, nước hoa và sử dụng trong điều chế mỹ phẩm.
Trái Bưởi có các tép múi chua ngọt ngon miệng, loại trái cây tráng miệng sau bữa ăn lý tưởng. Ngoài ra, có thể chế biến và làm ra các món thơm ngon, đẹp mắt từ ruột bưởi. Ngoài phần ruột được ứng dụng nhiều trong chế biến thì phần vỏ trái Bưởi cũng được sử dụng nhiều. Võ bưởi thường được sử dụng trong việc điều chế tinh dầu, chế biến món ăn.
Hoa và lá Bưởi cũng được yêu thích trong việc phối hợp cùng các loại lá khác để sử dụng. Thường phối cùng như cây hương nhu, bồ kết, bạc hà, kinh giới, tía tô, sả, ngải cứu… Thường hay dùng để xông hơi khi cảm cúm, nấu làm dầu gội đầu.
Bưởi còn được người yêu cây trồng làm cây bonsai nghệ thuật. Cây Bưởi được trồng để trang trí trong sân vườn giúp không gian sống thêm đẹp mắt, thơm mát.