Đặc điểm cây Lá gấm
Cây Lá gấm hay còn thường được gọi là Tía tô cảnh. Loài cây này được sử dụng trong trang trí cảnh quan rất nhiều ở Việt Nam hiện nay.
Tên khoa học: Plectranthus scutellarioides
Họ thực vật: họ Hoa môi (họ Lamiaceae)
Thân cây Lá gấm thuộc loại thân thảo, mọc theo bụi hoặc khóm. Cây phân ra nhiều cành và nhánh nhỏ. Cây trưởng thành khá cao, có thể cao tới khoảng 40 – 50cm. Thân cây có màu đỏ tía lạ mắt.
Lá cây chạm vào hơi khô ráp, mép lá có hình răng cưa. Lá cây này nhìn khá giống lá Tía tô bình thường. Cuống lá dài, mảnh, màu đỏ tím đậm như lá. Lá hình trứng, mặt trên lá màu tím có mép viền màu xanh, hay có loại lá có màu đỏ tím, mép có viền lớn màu vàng tươi. Đây là loại thực vật có lá đa dạng màu như màu đỏ, vàng, xanh, hồng, tím hay hỗn hợp nhiều màu pha trộn. Viền màu bên ngoài không đều nhau, chỗ lớn chỗ nhỏ và đậm hay nhạt theo khía răng.
Hoa nhỏ mọc thành chùm và mọc ở ngọn cành.
Ứng dụng Lá gấm trong cảnh quan
Lá gấm là loài cây cảnh lá màu, chúng có màu sắc lá đẹp mắt và khá mới lạ. Rất thích hợp trồng làm cây xanh công trình cảnh quan, cây trang trí sân vườn.
Cây được trồng nhiều tạo thành thảm nền màu đỏ trong sân vườn, trồng ở hàng rào dọc lối đi. Hay trồng làm đường viền ở công viên, bồn hoa công cộng, dải phân cách, lối đi bộ, khu đô thị. Lá gấm mang lại nét đẹp thu hút, bắt mắt tại nơi cảnh quan trồng nó. Bên cạnh đó, có thể trồng cây vào chậu để trang trí ở ban công, cửa sổ, bàn làm việc. Hoặc trồng ở các khuôn viên sân vườn, hành lang, các không gian hẹp khác ở văn phòng, nhà ở. Cây giúp tô điểm thêm vẻ sống động cho không gian sống và sinh hoạt rất thích hợp.
Ngoài ra, cây cũng được phối kết cùng với các cây cảnh khác để trang trí, tạo khối, tiểu cảnh cho các không gian sân vườn, công viên.
Trồng và chăm sóc cây Lá gấm
Lá gấm là loại cây ưa nắng, ưa ẩm, phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Cây dễ trồng và chăm sóc, lại nhanh phát triển. Cây có thể sống và phát triển tốt ở khu vực bóng bán phần.
Cây được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt và giâm cành.
Nên lựa chọn đất trồng tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt để tạo điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cây. Tưới nước cho cây hàng ngày, tưới phun đều lên lá. Tuy nhiên tránh tưới quá nhiều làm cây bị ngập nước gây tình trạng thối rễ, úa lá, úng thân cây, làm cây giảm sức sống dẫn đến sâu bệnh, nặng hơn là chết gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và cảnh quan. Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh, làm cỏ quanh gốc cây. Cũng như cắt tỉa giúp định hình cảnh quan dễ dàng, đồng thời kích thích cây nhanh lớn, ra nhiều cành, lá mới.