Đặc điểm cây Phú quý
Cây Phú quý là loài cây kiểng quen thuộc ở nước ta. Cây thường được trồng làm cây nội thất, cây xanh văn phòng.
Tên khoa học: Aglaonema Hybrid
Họ thực vật: Họ Ráy
Phú quý là giống cây thân thảo, thân màu trắng hồng. Cây đẻ nhánh khá nhanh và thường cao từ 35 – 50cm.
Rễ cây thuộc loại rễ chùm, to khỏe, có nhiều rễ con, dài từ 4 – 6cm. Rễ cây ban đầu có màu trắng, sau chuyển dần thành màu xanh.
Lá màu xanh với viền xung quanh màu đỏ hồng, đậm dần vào bên trong. Đầu lá nhọn, lá bản khá to.
Cây thường ra hoa vào mùa hè. Hoa dạng cụm, màu vàng nhạt, bao xung quanh hoa là mo hoa màu trắng. Cuống hoa ở trung tâm, sau khi hoa tàn thì cây cho quả màu cam hoặc đỏ mọng. Tuy nhiên, cây rất hiếm khi ra hoa.
Ứng dụng cây Phú quý trong trang trí
Có thể trồng cây Phú quý trong các chậu sứ hoặc trồng thuỷ canh trong chậu thủy tinh. Dùng để trang trí bàn làm việc, bàn khách, bàn ăn, cửa sổ. Bên cạnh đó, loài cây này có thể trồng chậu treo. Sử dụng trang trí cửa sổ, ban công, trước hiên nhà tạo không gian đẹp và sinh động. Ngoài ra, cây có khả năng thanh lọc không khí, giảm bụi bẩn, ô nhiễm, đem đến môi trường trong lành, giúp ích cho hệ hô hấp và sức khoẻ con người.
Nhờ dễ sống, dễ chăm sóc và có thể trồng thủy canh nên cây Phú quý được trồng trong các chậu thuỷ tinh đủ mọi kiểu dáng. Sử dụng để làm cây cảnh trang trí trong nhà, văn phòng, quầy lễ tân, quán cafe, nhà hàng.
Vì kích thước cây nhỏ gọn nên có thể trồng trong nhiều kích thước chậu sứ khác nhau. Vị trí đặt cây cũng đa dạng, chậu nhỏ thì đặt ở bàn làm việc, cửa sổ, bàn tiếp khách, treo ban công. Chậu to thì đặt ở cửa, hành lang, sân vườn đều rất phù hợp. Cây giúp tô điểm cho không gian sống và sinh hoạt thêm màu sắc, giúp không gian tươi mát, giải toả căng thẳng, mệt mỏi.
Trồng và chăm sóc Phú quý
Cây Phú quý là giống thực vật rất dễ trồng và rất dễ chăm sóc. Loài cây này ưa bóng mát, thích nghi tốt điều kiện khí hậu ở nước ta.
Cây Phú quý có thể nhân giống bằng nhiều phương pháp như tách bụi, giâm cành.
Loại cây này có thể trồng trong đất hoặc trong nước. Nếu trồng đất, cây sống tốt trên nhiều loại đất, tuy nhiên nên chọn đất giàu dinh dưỡng. Nên trộn thêm phân hữu cơ, xơ dừa, mùn, đảm bảo tơi xốp và thoát nước tốt để rễ phát triển và không bị ngập úng. Nếu trồng thủy sinh trong nước, cần chậu nước sạch sẽ và cho thêm một ít dung dịch thuỷ sinh.
Loài này không cần quá nhiều nước. Mỗi lần tưới chỉ cần cấp đủ cho đất ẩm, không cần nhiều. Là loài cây ưa bóng mát, có thể trồng cây tại những nơi không cần quá nhiều ánh sáng. Tuy nhiên lá cây chỉ ra màu đẹp nếu tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời. Vào mùa hè nên để cây tiếp xúc với ánh sáng nhiều hơn để kích thích cây nở hoa, nhưng tránh nắng gay gắt làm héo cây.
Nên thường xuyên kiểm tra, loại bỏ lá hư thối. Nếu trồng thủy sinh thì kiểm tra loại bỏ rễ hư và thay nước để tránh cây lây bệnh. Ít tưới nước nhưng nên thường xuyên dùng khăn ẩm để lau lá, vừa làm sạch, tăng khả năng quang hợp, vừa nhanh chóng phát hiện sâu bệnh. Khi phát hiện sâu bệnh, nếu nhẹ thì có thể tự loại bỏ, nếu nặng thì mua thuốc trị sâu rầy về phun.